Chi Bộ Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh Thành phố Đà Nẵng tổ chức sinh hoạt chuyên đề Quý III

80

      Sáng ngày 14/7/2023 Chi Bộ Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh Thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Công đoàn Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh Thành phố Đà Nẵng tổ chức sinh hoạt chuyên đề Quý III với hình thức tham quan các di tích lịch sử cách mạng, bảo tàng và các “địa chỉ đỏ” trong thành phố Đà Nẵng như: Thăm Bảo tàng Đà Nẵng, Thành Điện Hải.

      Buổi sinh hoạt chuyên đề của các chi bộ nằm trong kế hoạch sinh hoạt năm 2023 của Chi bộ Hội và cụ thể hóa Công văn số 2673-CV/ĐUK ngày 17-01-2023 của Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Đà Nẵng về triển khai theo hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 06-07-2018 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và định hướng sinh hoạt chuyên đề năm 2023.

     Thành Điện Hải là một di tích quan trọng của thành phố biển Đà Nẵng, là tiền đồn chống quân Pháp ngay từ những buổi đầu bọn chúng xâm lược nước ta ở tả ngạn sông Hàn. Thành được vua Gia Long cho tiến hành xây dựng vào năm 1813 với nguyên vật liệu chính là đất. Ban đầu thành có tên gọi là Bảo Điện Hải. Tuy nhiên, do nằm sát biển nên dễ bị hư hỏng. Đến năm 1823, vua Minh Mạng ra lệnh rời thành vào nội phủ, tiến hành xây dựng lại bằng gạch. Năm 1835, vua Minh Mạng đã đổi tên thành từ Bảo Điện Hải thành Điện Hải và được giữ nguyên cho đến tận ngày nay, ngày 16/11/1998, thành Điện Hải đã được Bộ Văn hóa – thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia.

                       Các đảng viên và đoàn viên nghe giới thiệu về Thành Điện Hải

    Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay được xây dựng với tổng diện tích khoảng 6000 m2, nằm trong khuôn viên thành Điện Hải, di tích lịch sử nơi Nguyễn Tri Phương chặn những bước chân xâm lược đầu tiên của thực dân Pháp vào Việt Nam năm 1858. Trong đó, không gian trưng bày với diện tích hơn 3000m2, gồm 3 tầng giới thiệu hơn 2.500 tư liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa của thành phố Đà Nẵng và vùng phụ cận; đặc biệt, có hơn 1.900 hiện vật gốc được sưu tầm từ sau ngày giải phóng đến nay, nhiều tư liệu hiện vật quý. Mở đầu không gian trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng là gian trưng bày tổng quan về Đà Nẵng được bố trí trang trọng, thiết kế theo hình vòng cung, lấy ý tưởng từ thế đất Đà Nẵng như một vòng tay lớn ôm lấy biển khơi. Trung tâm của không gian này là hình ảnh 5 cánh buồm, tượng trưng cho thành phố biển đang vươn ra biển lớn, trên đó khắc họa các bức phù điêu với nội dung: Đà Nẵng trong tiến trình lịch sử của đất nước. trưng bày các hiện vật lịch sử với các chủ đề như: Địa lý tự nhiên; Đà Nẵng thời tiền sơ sử; các bộ  sưu tập cổ vật; đời sống của ngư dân biển và cảng biển; đô thị Đà Nẵng trước năm 1975; Đà Nẵng hội nhập và phát triển; các làng nghề thủ công truyền thống;…

    Tầng hai trưng bày chuyên đề Đà Nẵng mở đầu mặt trận chống thực dân Pháp 1858 – 1860; các phong trào yêu nước trước năm 1930; kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Đặc biệt nơi đây chọn lọc trưng bày lại các bộ sưu tập của Bảo tàng chứng tích chiến tranh trước đây. Gian trưng bày đã tái hiện lại cuộc đấu tranh của nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc. Tại đây, bằng các tranh ảnh và hiện vật, một số sự kiện chính đã được thuật lại như sự kiện quân Mỹ đổ bộ và xây dựng căn cứ, cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Đà Nẵng… chiến tích tội ác của Đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh Viêt Nam.

     Toàn bộ khu vực tầng ba là nơi tái hiện lại bức tranh sinh động về Khảo cổ học, văn hóa Sa Huỳnh và  dân tộc học Quảng Nam- Đà Nẵng. Bước đến gian bên phải chính là không gian trưng bày văn hóa của một số dân tộc thiểu số ở Quảng Nam như: Cơ Tu, Xơ Đăng, Co ,Giẻ Triêng… mà chủ yếu tập trung ở dân tộc Cơ Tu – gương mặt văn hóa tiêu biểu cho các tộc người nơi đây….

     Tham quan Bảo tàng Hoàng Sa

   Cùng ngày, Chi bộ thăm quan, tìm hiểu tại Nhà trưng bày Hoàng Sa tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nơi trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền những tư liệu lịch sử và pháp lý minh chứng về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa một cách thực sự, liên tục và hòa bình, phù hợp với thực tiễn và luật pháp quốc tế.

     Chương trình thăm quan đã để lại ấn tượng tốt đẹp đầy cảm xúc cho cán bộ, đảng viên và đoàn viên công đoàn của Hội.

(Kim Loan – NVTH)