Dấu ấn về buổi sinh hoạt chuyên đề quý III năm 2018 của Chi bộ Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng

651

     Chiều ngày 7 tháng 9 năm 2018, Chi bộ Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng tổ chức sinh hoạt chuyên đề Quý III năm 2018, với chủ đề: “Một số giải pháp vận động tài trợ nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh đem lại hiệu quả”. Đến dự có ông Trần Văn Hiền, ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy khối, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối các cơ quan.

     Tại buổi sinh hoạt đồng chí Đỗ Thi Kim Lĩnh, Bí thư chi bộ Hội đã trình bày Báo cáo đề dẫn, trong đó nêu rõ việc vận động tài trợ của Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng nhằm thực hiện tốt các chương trình mục tiêu nhân đạo, như: Chương trình chữa tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo, Chương trình tầm soát ung thư vú, ung thư tử cung cho phụ nữ nghèo, Chương trình hỗ trợ người nghèo tại cộng đồng, miễn, giảm viện phí cho bệnh nhân tại bệnh viện Ung bướu, Bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Ung bướu, Nuôi dạy trẻ em mồ côi, khuyết tật tại Làng Hy vọng.v.v…

     Trong 16 năm qua: Hội đã thực hiện tốt các chương trình mục tiêu nhân đạo của Hội Tổ chức khám sàng lọc cho 189.077 em, qua khám, đã phát hiện nghi 1.362 em bị bệnh tim bẩm sinh. Tổ chức đi thăm và hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục bảo lãnh hỗ trợ phẫu thuật tim cho gần 910 em với số tiền 39.976.160.000 đồng.Hội đã miễn giảm viện phí cho 11.853 lượt phụ nữ nghèo điều trị tại Bệnh viện Phụ nữ với số tiền 6.916.909.930 đồng. Đặc biệt, hàng năm đã tổ chức khám, tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho phụ nữ nghèo với 3.709 lượt, số tiền 2.417.951.892 đồng. Chương trình hỗ trợ bệnh nhân nghèo bị bệnh ung thư điều trị tại Bệnh viên Ung Bướu Đà Nẵng là 8.914 lượt bệnh nhân nghèo, số tiền 7.302.206.937 đồng. Hỗ trợ chữa bệnh cho 1.300 phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh bị bệnh hiểm nghèo tại cộng đồng với tổng số tiền 2.510.945.354 đồng; Thành Hội đã vận động tài trợ để Bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Ung Bướu luôn được duy trì ngày 3 bữa, đến nay, bếp đã tổ chức chế biến 2.289.383 suất cháo phục vụ bệnh nhân, có giá trị 10.396.895.399 đồng. Trung tâm Nuôi dạy Trẻ em khó khăn (Làng Hy vọng) đã vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ 13.557.331.000 đồng, trong đó bằng hiện vật 1.437.873.000 đồng để nuôi và dạy các em. Để có những kết quả trên đồng chí Đỗ Thị Kim Lĩnh đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong vận động tài trợ mà Hội đã thực hiện trong nhiều năm qua. Khi tiếp cận trực tiếp nhà tài trợ, thực hiện giao tiếp qua thư, Email, giao tiếp qua điện thoại, một số lưu ý khi vận động tài trợ, chuẩn bị chu đáo hồ sơ xin tài trợ….

     Đồng chí Hồ Phước Dũng, Phó Bí thư Chi bộ đã phát biểu chia sẻ:  Qua 16 năm tham gia công tác nhân đạo, từ thiện, nhất là cho phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh, đồng chí nhận thấy người làm công tác từ thiện cần phải có cái tâm, luôn nghĩ đến người nghèo, luôn theo dõi, thông tin, đi sâu sát đến các xã, phường, vùng sâu, vùng xa, cùng cơ sở phát hiện phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh bị các bệnh hiểm nghèo để kịp thời giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, bất hạnh.v.v…Chú trọng đến công tác sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời cán bộ Hội viên, phát hiện hỗ trợ người nghèo để động viên phong trào.

      Bà Huỳnh Thị Thanh Thủy, theo dõi chương trình chữa tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo bất hạnh chia sẽ việc làm của mình 

     Bà Huỳnh Thị Thanh Thủy, theo dõi chương trình chữa tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo bất hạnh chia sẽ: 16 năm qua để giúp các em bị bệnh tim bẩm sinh được cứu chữa kịp thời, cần có kinh phí lớn, những em bị bệnh tim bẩm sinh hầu hết rơi vào các gia đình nghèo không có điều kiện chữa trị, mỗi ca phẫu thuật phải tốn từ 30 – 60 hoặc 70, 80 triệu đồng, có ca hơn 100 triệu đồng. Một ca mổ tim thấp nhất phải gửi hồ sơ đến 3 tổ chức tài trợ. Ca nào nhiều tiền thì phải đến 4-5 tổ chức tài trợ, song, không phải khi nào các tổ chức tài trợ cũng có đầy đủ kinh phí. Hiện nay, sau khi được Hội giúp đỡ tài trợ mổ tim, có một số em đã tốt nghiệp đại học đi làm, có em đã có gia đình, sinh con khỏe mạnh, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của gia đình và của Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng. Tôi mong sao, các em đã được Hội hỗ trợ mổ tim sẽ có một cuộc đời vui tươi, may mắn, như em Trần Thị Xuân Yến, sinh 1997, tổ 25, phường Hòa Thuận Đông, 3 lần mổ, số tiền 228 triệu đồng, gia đình và bản thân em tưởng chừng sa sút về sức khỏe, mù mịt về tương lại. Vậy mà, em vẫn khỏe mạnh, đỗ vào Đại học sư phạm, có chồng, sinh cháu trai được 3, 2 kg, cả gia đình đều phấn khởi.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, nhân viên hành chính tại Làng Hy vọng phát biểu

    Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, nhân viên hành chính tại Làng Hy vọng đã bày tỏ tầm quan trọng và hiệu quả của hoạt động tài trợ đối với Làng Hy Vọng hiện nay: Trước đây chị cũng là cô gái mồ côi cha, mẹ được Làng nuôi dạy nên người, sau đó chị được các thầy cô, các mẹ quan tâm và giữ lại Làng làm việc và học lên đại học. Chị luôn xem Làng là ngôi nhà thứ hai của mình, những năm tháng sống và làm việc tại đây, mỗi khi nhà tài trợ quốc tế ngưng tài trợ cho Làng vì tình hình kinh tế khó khăn, trong lòng chị cảm thấy đau nhói và hụt hẫng. Chị nghĩ không có nguồn tài trợ quốc tế, trong nước thì Làng sẽ rơi vào tình thế thiếu hụt kinh phí, không có để nuôi và dạy các em nên người.  Chính vì vậy mà chất lượng và hiệu quả của hoạt động tài trợ mang một ý nghĩa to lớn và vô cùng quan trọng đối với Làng hiện nay.

Chị Phạm Thị Tiến, đại diện của Tổ Bảo mẫu của Làng Hy vọng phát biểu

     Chị Phạm Thị Tiến, đại diện của Tổ Bảo mẫu của Làng Hy vọng chia sẻ: Hai mươi lăm năm qua, tập thể  cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của Làng đã phát huy những thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, cùng nhau đoàn kết, phấn đấu trong phong trào thi đua “Nuôi dạy tốt, học tập và rèn luyện tốt”.25 năm qua, Làng luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, tài trợ  thường xuyên và tận tình  của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Các nguyên nhân đưa lại kết quả như đã nêu trong báo cáo, nhất là nhấn mạnh đến 7 nội dung, yêu cầu trong vận động, làm việc với các nhà tài trợ và những phẩm chất cần có của mỗi nhân viên khi làm công tác này.

Ông Trần Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối phát biểu

      Ông Trần Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối đánh giá buổi sinh hoạt chuyên đề quý III năm 2018 của Chi bộ Hội rất bổ ích, sự chia sẻ cảm động những việc làm cụ thể của từng đảng viên, ĐVCĐ nói lên được sự vất vả, toan tính của người làm công tác từ thiện, làm thế nào để vận động được kinh phí để giúp cho phụ nữ và trẻ em nghèo. Buổi sinh hoạt với chủ đề “Một số giải pháp vận động tài trợ nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh đem lại hiệu quả” có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với tình hình vận động tài trợ ngày càng khó khăn như hiện nay.

     Kết thúc buổi sinh hoạt chuyên đề Đồng chí Huỳnh Văn Hoa, Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng, Chủ tọa buổi sinh hoạt kết luận: Chủ đề của Chi bộ chọn lựa phù hợp với mục tiêu, tôn chỉ của Hội, thực hiện chương trình thành phố 4 An. Các phát biểu của đảng viên, ĐVCĐ đều đã nêu lên được một số giải pháp chủ yếu vận động tài trợ nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh đem lại hiệu qủa. Những cách làm, cách xây dựng các bộ hồ sơ, cách liên hệ với các địa phương, các đối tác và cách làm việc với các nhà tài trợ, các mạnh thường quân đồng thời nêu được các bài học kinh nghiệm từ công tác này như: Vận động tài trợ là sự đồng tâm hợp lực, sự chung tay của các thành viên có trách nhiệm của Hội, của Làng; không ai có thể đứng ngoài cuộc; Công tác vận động, nếu làm tốt, sẽ thắp lên ngọn lửa của niềm tin và hy vọng, niềm tin và hy vọng này dành cho bao cuộc đời cần có bàn tay của chúng ta; Hiệu quả của nguồn vận động là cơ sở, nền tảng cho sự tồn tại đầy ý nghĩa nhân văn của Hội, của Làng Hy vọng.

Một số hình ảnh tại buổi sinh hoạt:

(Kim Loan – NVTH)