Sinh hoạt chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Chi bộ Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng

961

     Chiều ngày 7 tháng 05 năm 2018, Chi bộ Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng tổ chức sinh hoạt chuyên đề Quý II năm 2018, với chủ đề: “Xây dựng phong cách tác phong của người làm công tác nhân đạo từ thiện”. Đến dự có ông Phạm Ngọc Trà, Phó Chánh Văn phòng Đảng ủy khối các cơ quan thành phố.

     Tại buổi sinh hoạt bà Đỗ Thi Kim Lĩnh, Bí thư chi bộ Hội đã trình bày Báo cáo đề dẫn, trong đó nêu rõ việc thực hiện phong cách tác phong của người làm công tác nhân đạo từ thiện thì mỗi cán bộ, nhân viên của  cơ quan Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, không ngừng trau dồi học tập về tinh thần nêu gương của Bác: Đối với bản thân, không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, đối với đồng nghiệp và phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh  luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, khoan dung, độ lượng; không dối trá, lừa lọc. Đối với công việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước những khuyết điểm của bản thân thuộc bộ phận mình phụ trách. Nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm, đã làm thì phải có hiệu quả. Tích cực học tập, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các kiến thức, kỹ năng trong công tác Hội. Chân thành giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp trong công tác và trong cuộc sống; bảo vệ uy tín, danh dự chính đáng của đồng chí, đồng nghiệp; không tranh công, đổ lỗi, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, khuyết điểm cho người khác.

     Ông Hồ Phước Dũng, Phó Bí thư Chi bộ – Chánh văn phòng Hội – Chủ tịch Công đoàn Hội đã phát biểu chia sẻ:  Qua 15 năm tham gia làm công tác nhân đạo từ thiện tôi thấy thành phố Đà Nẵng rất quan tâm và làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh, trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, trẻ em mồ côi, khiếm thính …vv… Hơn 15 năm qua, các chương trình mục tiêu mang tính nhân văn của Hội được sự đồng hành của xã hội và nỗ lực phấn đấu thực hiện của toàn thể Hội viên của Hội, đã làm vơi đi những nỗi bất hạnh và đem lại niềm vui hạnh phúc cho nhiều gia đình nghèo, đem lại cơ hội học hành, vui chơi cho các em, góp phần vào thực hiện chương trình an sinh xã hội của thành phố Đà Nẵng.

     Bà Lê Phương Thảo, Phó Giám đốc Làng Hy vọng đã bày tỏ sự xúc động sâu sắc khi được nói về những tâm nguyện của bản thân được làm việc tại Làng Hy vọng, đặc biệt là khi gặp các trường hợp các em không may mắn, gặp éo le bất trắc của gia đình đã thật thà kể lại cho cô nghe.

     Bà Lê Thị Thanh Nga, tổ trưởng tổ quản sinh xã hội Phòng Nghiệp vụ chia sẻ: Học tập phong cách tác phong của Bác, cán bộ phòng quản sinh luôn quan tâm, theo dõi tình hình học tập của các em ở trường, phối kết hợp với nhà trường giải quyết kịp thời trường hợp trốn học, đi học trễ…Theo dõi, chăm sóc và nuôi dạy học sinh, làm việc theo ca 24/24, các cô bảo mẫu không chỉ làm việc đúng giờ, tiết kiệm thời gian mà phải làm thêm giờ, xử lý đúng, nhanh kịp thời các tình huống và những sự việc đột xuất như hàng đêm phải đi kiểm tra, nắm số lượng học sinh không chỉ sau 21 giờ, để phát hiện các trường hợp trốn đi chơi. Phải tăng cường các giờ chiều, ban đêm quản lý việc học thêm, học phụ đạo, học nghề, theo dõi thói quen sinh hoạt, các mối quan hệ trên lớp, tại trường, trong Làng Hy vọng, gia đình và ngoài xã hội của các em. Thầy cô, các cô bảo mẫu trong Làng Hy vọng thường xuyên gần gũi, chia sẻ, tâm sự với các em để biết được tâm tư, nguyện vọng của các em. Mỗi thầy cô luôn là một người bạn, bác sĩ tâm lí, luôn bên cạnh khi các em gặp khó khăn, vỗ về an ủi như người mẹ khi các em thấy buồn, chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống với các em…

     Ngoài 3 phát biểu tham luận trên, Đoàn viên công đoàn cũng đã phát biểu tham gia ý khác về chuyên đề rất có ý nghĩa, kết thúc buổi sinh hoạt chuyên đề ông  Huỳnh Văn Hoa, Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng, Chủ tọa buổi sinh hoạt kết luận: Các phát biểu của đảng viên, ĐVCĐ đều đã nêu lên được nhiệm vụ công tác nhân đạo từ thiện của Hội và Làng Hy vọng. Ý nghĩa của việc rèn luyện về phong cách, tác phong của người làm công tác nhân đao, từ thiện liên quan đến những vấn đề về dân chủ, quyết đoán, sâu sát, khéo dùng người, làm việc có tinh thần khoa học, sáng tạo, … không phải là phẩm chất có ngay, mà phải rèn luyện nhất là trải nghiệm qua thời gian, đối với công việc hiện nay, phải hướng đến đối tượng khó khăn, phải khéo léo, trân trọng đối với các tổ chức, cá nhân tài trợ, phải luôn xây dựng phẩm chất, đạo đức của người làm công tác từ thiện. Cái tâm của người làm công tác nhân đạo, từ thiện cần đảm bảo 3 cái đúng: đúng đối tượng, đúng chính sách, đúng quy định của Hội. Sâu sát đến các cơ sở xã, phường, vùng sâu, vùng xa, kịp thời tư vấn, hướng dẫn làm các thủ tục để đối tượng thụ hưởng đến được các chương trình mục tiêu của Hội.

      Qua sinh hoạt chuyên đề, các đảng viên, ĐVCĐ sẽ nỗ lực tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để đưa công tác nhân đạo từ thiện của Hội và Làng Hy vọng ngày một tốt hơn.

(Kim Loan – NVTH)