Nhớ ngày đầu của mười năm ấy

517
Nhân 10 năm triển khai Chương trình chữa tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng 2003-2013, ôngTrần Chí Thành – Phó Chủ tịch hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh (BTPN&TENBH) thành phố Đà Nẵng, Chủ nhiệm Chương trình chữa tim bẩm sinh, đã chia sẻ về những ngày đầu khai sinh chương trình đầy tính nhân văn này.
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, đồng chí Trần Chí Thanh (bìa phải) và một bệnh nhân được tài trợ phẫu thuật
Ảnh: N. THÀNH
Tháng 1-2002, Giám đốc  Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng Trần Chí Thành nhận quyết định về hưu. Một thời gian sau, khoảng tháng 6-2002, ông Nguyễn Bá Thanh lúc đó là chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng mời ông đến trụ sở UBND trao đổi một số công việc. Ông Nguyễn Bá Thanh nêu vấn đề: “Tôi thấy cơ chế của Nhà nước mình muốn giúp đỡ ai nhưng thủ tục hành chính phức tạp quá. Giờ thành lập hội, tôi sẽ chịu trách nhiệm làm chủ tịch danh dự, chỉ đạo tìm ra cái gì gây quỹ để ai khó khăn bức xúc lắm thì mình cứu giúp kịp thời. Tôi cứ ám ảnh mãi câu chuyện mẹ tôi kể lại rằng, nếu hồi đó có ai giúp đỡ kịp thời, có tiền tiêm thuốc cho chị tôi thì chị tôi không qua đời. cho nên giờ, tôi đề nghị anh cùng với anh Phạm Đình Hào tổ chức thành lập hội để tôi đi vận động nhằm cứu giúp kịp thời tới người có yêu cầu!”.
Nghe Chủ tịch thành phố nói vậy, ông Trần Chí Thành như cởi tấm lòng vì những điều ông tâm đắc đã được ông Thanh nói ra. Song, ông chia sẻ: “tôi làm công tác xã hội nhiều rồi nên thưa với anh bây giờ họ làm từ thiện tràn lan. ai cũng làm, rồi người ni giúp người khác, biết cái nào thiện, cái nào không thiện. Do đó, tôi đề xuất hai việc sau: Cái gì họ chưa làm thì mình làm, cái gì họ làm rồi thì để họ làm. Cái gì các tổ chức chính trị chưa tham gia, mình tìm hiểu vấn đề bức xúc nhất mà xã hội có nhu cầu thì mình xáp vô”.
Được sự nhất trí của đồng chí Nguyễn Bá Thanh về quan điểm này, ông Trần Chí Thành cùng các cộng sự bắt đầu mở cuộc điều tra xã hội học để phát hiện những vấn đề khẩn thiết cần giúp đỡ. trong đó, trẻ em được ưu tiên hàng đầu và chia làm 6 nhóm bất hạnh (sứt môi, tật nguyền chân tay, nghèo, tim mạch…).
Qua điều tra, ông cùng các cộng sự phát hiện thấy chỉ có tim bẩm sinh chưa có nhà tài trợ. Từ đó, chương trình chữa tim bẩm sinh dần được thành hình với hai nội dung: tất cả trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh phải được cứu chữa; đề nghị UBND đầu tư cho ngành y tế và bệnh viện Đà Nẵng thành lập đơn vị tim mạch. Vì nếu từ Đà Nẵng vào thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh tim thì phải xếp hàng đến 6 tháng vẫn chưa chắc đến lượt mổ tim.
Điều đáng mừng là từ ý tưởng đến thực thi luôn được sự đồng thuận của lãnh đạo các ban, ngành, nhà tài trợ và nhân dân. Do đó, chỉ một thời gian ngắn sau khi phát hiện vấn đề, thành phố đã đầu tư
cho bệnh viện Đà Nẵng 6 tỷ đồng mua thiết bị để thành lập đơn vị tim mạch (tiền thân của khoa tim mạch và lồng ngực hiện nay). Đồng thời, chương trình bổ sung thêm ông Phạm Hùng Chiến – lúc đó là Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng (nay là Giám đốc Sở Y tế) vào Ban chủ nhiệm với chức danh ủy viên.
Tuy về cơ bản là thuận lợi nhưng không phải không có những khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện. Ông Trần Chí Thành chia sẻ: “Tôi từng tham gia chiến đấu, từng tổ chức bảo đảm cho chiến dịch lớn như xuân mậu Thân 1968 ở tam Kỳ với nhiều nguy hiểm. Song, cũng chưa căng thẳng bằng việc đưa 45 em từ Đà Nẵng ra Hà Nội mổ tim”. Nguyên do là hồ sơ đã hoàn thành, Ban chủ nhiệm chương trình đã làm việc với bệnh viện Việt Đức về kế hoạch mổ tim, tiền tài trợ cũng đã sẵn sàng, nhưng gia đình một số cháu đột nhiên không chịu đi vì lý do: ngày xấu, năm nay phạm “tam tai”, ra Hà Nội không biết đi đứng ra sao, v.v…
Trước những tình huống “trên trời” đó, ông Thành đưa ra biện pháp xử trí: chọn ngày tốt để đưa các cháu đi; ai ngại “tam tai” thì nhờ người không “phạm” đưa đi; ra Hà Nội sẽ bố trí chỗ ăn ở cho người nhà đàng hoàng… Công tác tư tưởng cơ bản được giải quyết triệt để. Kết quả của những nỗ lực nặng chữ tâm đó là hạnh phúc của 45 gia đình, là nụ cười của các cháu khi trái tim không còn “lỗi nhịp”.
Nhắc lại kỷ niệm này, Chủ nhiệm chương trình chữa tim bẩm sinh Trần Chí Thành không quên việc rút kinh nghiệm về thủ tục hành chính: “Sau lần đó, tôi về soạn các mẫu đơn rồi nhờ các anh bên Sở tư pháp coi giúp để kiểm tra xem sai sót gì về mặt hành chính không. Trong đó, tôi cũng xác định với gia đình xác suất 15% không thành công như lời bác sĩ căn dặn”. Cùng với việc chuẩn hóa về mặt giấy tờ, phương thức thanh toán cũng được Ban chủ nhiệm chương trình thay đổi từ việc giao tiền cho gia đình chuyển sang thanh toán trực tiếp cho bệnh viện. “Chúng tôi làm như vậy để tránh trường hợp mẹ tiêu hết tiền mổ tim của con. Về sau, chương trình cũng không nhận tiền nữa mà chỉ quản lý hóa đơn, còn tiền do nhà tài trợ chuyển thẳng đến bệnh viện”, ông Thành giải thích.
Mười năm đối với một con người bình thường đã chiếm một quỹ thời gian rất lớn. Nhưng chừng ấy thời gian với 650 trẻ em được mổ tim là hành trình dài của các nhà hảo tâm, Ban chủ nhiệm chương trình chữa tim bẩm sinh, các cá nhân và tổ chức liên quan, v.v… Còn đối với các em, đó là cả một cuộc đời. Trong đó, những ngày đầu thành lập chương trình như một mốc son được bắt nguồn từ ý tưởng đầy tính nhân văn của nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh hiện nay.
NGUYỄN SỸ LONG